Chỉ số GI (Glycemic Index- chỉ số đường huyết của thực phẩm) đóng vai trò quan trọng trong can thiệp dinh dưỡng dành cho bệnh nhân đái tháo đường.
Để đánh giá mức độ ảnh hưởng của thực phẩm làm tăng đường huyết nhanh, trung bình hay chậm, người ta phải chuẩn hóa thực phẩm với cùng một số lượng chất bột đường là 50 gram như nhau và lấy đường glucose hay bánh mì trắng làm chuẩn với giá trị là 100, gọi là chỉ số đường huyết GI.
Thực phẩm có GI trung bình và thấp sẽ cung cấp glucose chậm và đều đặn vào máu, giúp duy trì năng lượng đường huyết ổn định từ đó hạn chế các biến chứng cho bệnh nhân đái tháo đường.
Các thực phẩm sau khi ăn vào sẽ được tiêu hóa, hấp thụ vào máu và làm tăng đường huyết gọi là phản ứng đường huyết. Mức độ tăng đường huyết tùy thuộc vào số lượng thực phẩm ăn vào, hàm lượng và loại chất bột đường (Carbohydrate, Glucid), thành phần chất đạm, chất béo, chất xơ chứa trong thực phẩm, cách chế biến…
GI được áp dụng tốt nhất đối với những thực phẩm có lượng bột đường cao. Các loại thực phẩm làm tăng đường huyết nhanh sẽ có GI từ 70 trở lên. Mức GI trung bình là từ 56 đến 69, GI thấp dưới 55 sẽ là những loại thực phẩm làm tăng đường huyết chậm.
Tại hội thảo “Những đột phá trong nghiên cứu lâm sàng của dinh dưỡng chuyên biệt cho đái tháo đường” dành cho các chuyên gia và cán bộ Y tế do Hội dinh dưỡng Việt Nam tổ chức, PGS.TS Joseph T.Bass (thành viên Ban chấp hành Nội khoa Mỹ) và các chuyên gia đã cùng trao đổi về tầm quan trọng của dinh dưỡng trong điều trị và quản lý bệnh đái tháo đường. Đồng thời, các bác sĩ cũng chỉ ra vai trò của chỉ số GI.
PGS T.Bass lưu ý nhiều người tưởng nhầm hai loại thực phẩm có năng lượng như nhau, sẽ có chỉ số GI tương đồng. Thực tế, có những loại thực phẩm mang lại năng lượng như nhau nhưng cho chỉ số GI khác nhau. Do đó, trước mỗi bữa ăn, bệnh nhân đái tháo đường cần định lượng kỹ chỉ số GI của thực phẩm mà mình sẽ dùng. Điều này đòi hỏi mỗi bệnh nhân phải có chế độ ăn uống riêng đặc biệt phải hạn chế ăn vặt. Những món ăn vặt tưởng chừng vô hại nhưng lại có có chỉ số GI cao, gây nguy hiểm.
Hội thảo cũng đã chỉ ra rằng, con số 73% bệnh nhân đái tháo đường Việt Nam không tuân thủ chế độ dinh dưỡng phù hợp có thể phải sớm chịu những biến chứng về thần kinh, tim mạch, thận, mắt.
Các bệnh nhân phải đặc biệt quan tâm đến chỉ số GI của thực phẩm mà mình sử dụng hằng ngày. Theo TS Từ Ngữ – Tổng thư ký Hội dinh dưỡng Việt Nam, 300 cán bộ y tế tham dự hội thảo đã mang lại nhiều thông tin bổ ích về chế độ dinh dưỡng để cập nhật cho bệnh nhân. Điều này giúp người bệnh kiểm soát tốt hơn bệnh đái tháo đường.
(Nguồn: Công ty Truyền thông Lan Truyền)