Trẻ ùn ùn đổ bệnh vì nắng nóng

Nắng nóng gay gắt tại TP HCM và các tỉnh lân cận tuần qua khiến nhiều trẻ mắc chứng viêm họng, sổ mũi, sốt do uống nước đá, ngồi phòng lạnh, hoặc ngâm mình dưới hồ bơi rồi ra nắng.

Trưa 22/3, nơi nhộn nhịp nhất của cả Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 là khu vực khám bệnh. Từ sáng đến chiều, đông nghịt các vị phụ huynh bế con đến khám bởi “các bé đột nhiên ấm đầu rồi trở sốt”.

Theo các bác sĩ, hiện tượng trẻ đau đầu sổ mũi, viêm họng, sốt nghi sốt xuất huyết, tay chân miệng đã tăng mạnh từ hơn tuần qua, khi đợt nắng bắt đầu ở Sài Gòn. Nhiều trẻ bị bệnh nặng, buộc phải nằm viện để được điều trị.

Trưa cùng ngày, khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 gần như kín chỗ, nhiều giường bệnh chất đến 4 bệnh nhi. Hầu hết các bé đều mắc chứng viêm phế quản, viêm phổi. Điểm qua các phòng của khoa, ước tính có gần 200 cháu nằm điều trị.

Nuôi con nằm viện, chị Liễu nhà ở quận Bình Tân cho biết, thấy trời nóng, chị cho cháu vào phòng máy lạnh ngủ sau đó đưa con đi siêu thị chơi, vài giờ sau thì cháu lên cơn sốt. “Cho cháu uống thuốc đến hai ngày nhưng không hết, nhập viện, tôi mới biết con mình bị viêm phổi”, chị Liễu nói.

Kế đó là bé con của một phụ huynh nhà ở Bình Chánh, bị viêm họng nặng, sốt li bì kèm theo ho kéo dài. Ông bố kể thấy trời nóng quá nên anh cho cháu uống nước đá thường xuyên.

Ngoài hô hấp, khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng có hơn trăm bé nằm viện vì đủ các chứng kiệt lỵ, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa. Riêng khoa Nhiễm – Thần kinh trong mấy ngày qua thì liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp biến chứng do bệnh tay chân miệng và viêm màng não.

Nhận định về hiện tượng trên, bác sĩ Lê Bích Liên, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho rằng, thời tiết thay đổi, nhiệt độ chuyển từ mát sang nóng là nguyên nhân. Cũng theo bà Liên, các bệnh về đường hô hấp như viêm họng, viêm phổi; bệnh nhiễm như viêm màng não, tay chân miệng tăng rõ nhất.

Ngoài nguyên nhân gây bệnh tự nhiên do chuyển mùa, các bác sĩ khuyên phụ huynh không nên cho các bé giải nhiệt bằng cách cho uống nước đá thường xuyên vì rất dễ gây viêm họng. Khi bé nằm phòng máy lạnh thì không nên cho ra ngoài nắng gắt ngay vì sự thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể gây sốc, hoặc khi đi ra nắng, trẻ cần được đội mũ, mặc áo khoác. Việc giữ gìn vệ sinh cơ thể trẻ trong mùa nắng cũng giúp trẻ tránh được các bệnh về da, bệnh tay chân miệng…

Các bác sĩ y tế dự phòng cũng cảnh báo về nguy cơ bùng phát của bệnh tiêu chảy bởi trong mùa nắng nóng, thức ăn rất chóng bị ôi.

Thiên Chương

Theo vnexpress.net

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *